Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Hàn Quốc - Sức mạnh của nền giáo dục tốt nhất thế giới

 Cũng như người dân châu Á nói chung, người Hàn Quốc vốn có truyền thống hiếu học và tự hào có một hệ thống giáo dục khá phát triển so với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Công ty giáo dục Pearson đã đưa ra bảng xếp hạng các nước có nền giáo dục tốt nhất trên thế giới và thật bất ngờ khi Hàn Quốc cán đích ở vị trí thứ 2 chỉ đứng sau Phần Lan.
Bảng xếp hạng dựa trên kết quả của hàng loạt các cuộc thi quốc tế và nhiều thước đo nền giáo dục, chẳng hạn có bao nhiêu người vào đại học…
Thành công của hệ thống giáo dục Hàn Quốc là không thể phủ nhận được, đến mức Tổng thống Mỹ Barack Obama còn nhiều lần kêu gọi lấy Hàn Quốc làm bài học trong việc xây dựng lại đất nước thông qua cải cách giáo dục, nâng cao vai trò của giáo viên và nhấn mạnh về tầm quan trọng của người cha, người mẹ trong giáo dục con cái. Tháng 3/2011, tại Học viện Công nghệ Boston ở Massachusetts, ông Obama nói: “Ở Hàn Quốc, các giáo viên được gọi là những nhà xây dựng quốc gia. Trong khi ở Mỹ, chúng ta đối xử với những người giáo dục thế hệ trẻ của đất nước mình với cùng một mức độ tôn trọng. Chúng ta phải nâng giáo viên lên, thưởng cho giáo viên giỏi và dừng lại việc bao biện cho những giáo viên yếu kém”.
Trước đó, hồi năm 2010, tại Las Vegas, Tổng thống Mỹ cũng từng thừa nhận: “Học sinh Hàn Quốc giỏi hơn học sinh nước ta về toán và khoa học” và cảnh báo “Mỹ không thể thành công trong khoa học nếu Ấn Độ và Hàn Quốc sản xuất nhiều nhà khoa học và kỹ sư hơn”, trước khi kêu gọi nên noi theo kiểu mẫu giáo dục tại nước này: đó là ngày học dài hơn và học thêm buổi tối để giúp người học “sống sót” trong thời đại cạnh tranh toàn cầu.

Giáo dục Hàn Quốc
Phải nói rằng, có được thành tích này là vì Hàn Quốc đã đầu tư khá nhiều cho lĩnh vực giáo dục: 7,6% GDP cho giáo dục, trong khi ở các nước khác của tổ chức OECD là 5,6%. Hệ thống giáo dục Hàn Quốc được xem là một trong những hệ thống khắc nghiệt nhất và cạnh tranh nhất trên thế giới, đặc biệt là khi thi vào đại học
Trong một bài báo về giáo dục tại Hàn Quốc hiện nay, tôi được nghe nói đến một nhân vật đang gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận Hàn Quốc. Đó là ông Sohn Joo-eun, CEO của Công ty Megastudy. Trước kế hoạch hàng tỷ đô la mà xứ sở kim chi rót vào để phát triển internet gấp 10 lần vào năm 2014, theo ông Sohn, Hàn Quốc sẽ trở thành một tiêu điểm về xu hướng giáo dục mới để thế giới nhìn vào

“Các trường học (offline) sẽ chỉ đóng vai trò bổ sung cho giáo dục trực tuyến (online, e-learning). Học sinh đi đến trường, có lẽ một tuần một lần thôi, chỉ để hoạt động nhóm như thể thao”, ông Sohn từng đưa ra dự báo như thế.
2- Megastudy - “trường học trên mạng” (web school) - trở thành mạng giáo dục trực tuyến lớn nhất tại Hàn Quốc, với doanh số hàng năm lên đến 245 tỷ won (3.500 tỷ đồng Việt Nam). Lượng học sinh theo học các cấp được phân ra: trung học phổ thông (www.megastudy.net) với 2,1 triệu người ghi danh, trung học cơ sở (www.mbest.net) với 2 triệu người, tiểu học (www.mjunior.net) với 3,7 triệu người.

Một người bạn xứ kim chi hỏi tôi: “Ở đâu, một thầy giáo giỏi có thể kiếm được cả triệu đô la trong một năm?”, rồi trả lời luôn: “Megastudy!”. Sở dĩ thu nhập cao ngất ngưởng đến thế, vì tính chất trực tuyến nên một thầy giáo giỏi có thể nhận được một số lượng học sinh không giới hạn và Megastudy chia cho thầy giáo 23% doanh thu cho mỗi lớp mà người thầy ấy giảng dạy. Để được xếp vào danh sách hàng đầu (được công chúng biết đến), các thầy cô phải biết cách gây ấn tượng, vui vẻ, hấp dẫn, biết “tiếp thị”.

Megastudy từng tổ chức những cuộc họp mặt đông cả 10.000 người, tại các khu vực rộng lớn. Đám đông vỗ tay, chen chúc xin chữ ký. Cứ ngỡ người đứng trên sân khấu là siêu sao nhạc pop, nhạc rap nhưng… hóa ra đó là những thầy giáo nổi tiếng. Một số giáo viên còn đi phẫu thuật thẩm mỹ và thuê nghệ sĩ trang điểm để xây dựng hình ảnh bắt mắt trước công chúng, tôi được nghe kể vậy.

Trong quốc gia này, địa vị và thu nhập của một người dân Hàn Quốc ở tuổi 60 phần lớn được quyết định bởi tên tuổi của trường đại học mà họ bước chân vào năm 18 tuổi, do đó chi tiêu hàng đầu của các bậc cha mẹ là đảm bảo rằng con cái của họ sẽ vào một trường đại học ưu tú. Điều đó đòi hỏi một điểm số cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Thế nhưng… muốn đạt điểm cao nào phải dễ, mà thông thường được quyết định bởi việc gia đình có khả năng bỏ tiền ra thuê gia sư hoặc dốc tiền cho con em đi học thêm hay không. Những “hàn sĩ” - có tư chất thông minh nhưng xuất thân từ gia đình nghèo túng, không đào đâu ra học phí cao để ghi danh tại các “lò” luyện thi – trong thực tế càng ngày càng khó để vươn lên vị trí cao trong xã hội.

Đào tạo E - learning tại hàn quốc


Thực tế xứ Hàn, tôi chạnh nghĩ, có lẽ cũng không khác lắm với Việt Nam. Học hối hả, học thêm lu bù đang trở thành ám ảnh trong nhiều gia đình. Giấc mơ “vượt vũ môn, cá hóa rồng” cũng rất đỗi khó khăn nếu cắp sách đến trường với bàn tay trắng.

Megastudy thành công ở cấp độ “mega - cực khủng”, vì khai thác trúng tâm lý lo âu của các gia đình Hàn Quốc. Người sáng lập mạng giáo dục trực tuyến Megastudy vào năm 2000 là giáo viên vật lý Kim Sung-jae, từng là chuyên gia luyện thi đại học mát tay cho con em tầng lớp thượng lưu với thu nhập hàng năm lên tới 720 triệu won (10 tỷ đồng Việt Nam). “Trước đây, công việc của tôi là giúp nhà giàu đưa con cái họ lên nấc thang học vấn trong khi nhấn chìm cơ hội của những học sinh khác vì không có điều kiện tài chính, vô tình làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục”, Kim Sung-jae đã nói như vậy.

Với học phí mỗi khóa trung bình 40.000 - 50.000 won (tương đương 570.000 - 710.000 đồng), chỉ bằng 1/5 so với ở các lò luyện thi, học viên có thể xem bài giảng theo yêu cầu dưới dạng video (VOD, “Video on demand”) trên máy tính ở nhà, hoặc tải bài giảng vào các thiết bị cầm tay để xem đi xem lại mọi lúc mọi nơi.

Theo lời ông Jeong Hee-kwang, Megastudy đã cung cấp đến 2.500 khóa học, được “biến tấu” linh động tùy theo trình độ và yêu cầu của người học, mỗi khóa được tạo thành từ 10-20 bài giảng. Các ngành học quy định gồm có tiếng Hàn, tiếng Anh, toán học; các ngành học nhiệm ý được chia ra: khoa học nhân văn (11 môn), khoa học tự nhiên (8 môn). Học sinh phổ thông ở Hàn Quốc nhận được sự linh hoạt mà Megastudy mang lại, vì các em không phải mỗi ngày ngồi hàng giờ ở các trung tâm luyện thi, mà chọn ra những môn học cần trau dồi trên mạng; hoặc những học sinh ở tỉnh lẻ vẫn có thể xem các bài giảng của những giáo viên ưu tú nhất của thủ đô.

Phương pháp đào tạo E-learning

Giáo dục trực tuyến không phải là toàn bộ nền giáo dục của một đất nước, nhưng nó đem lại một sức sống mới. E-learning còn được chia sẻ từ cấp quốc gia. Chính phủ Hàn Quốc xem web như một công cụ để hạ nhiệt chi phí dạy kèm tại các trung tâm luyện thi, tái lập bình đẳng trong giáo dục. EBS, kênh truyền hình học đường của chính phủ, mở trang web cung cấp các bài giảng ôn thi đại học miễn phí, cho đến nay thu hút trên 3 triệu thành viên.


…Đặt xuống tờ báo đọc giữa chừng, nghĩ đến thực tế giáo dục tại Việt Nam, câu hỏi cứ thao thức mãi trong tôi: bài học Hàn Quốc sẽ gợi ra điều gì cho ngành giáo dục nước ta?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét